Trong thực tế, không ít người có sự nhầm lẫn hoặc phân biệt chưa rõ giữa khiếu nại hành chính với khiếu kiện hành chính và khiếu nại tư pháp. Để có thêm sự hiểu biết về sự khác nhau giữa khiếu nại hành chính, khiếu kiện hành chính và khiếu nại tư pháp, chúng ta cần xem xét theo một số khía cạnh sau:
Khiếu nại hành chính
Khái niệm về khiếu nại hành chính là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Từ khái niệm trên cho thấy, nội dung khiếu nại hành chính là khiếu nại về tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính và quyết định kỉ luật đối với cán bộ, công chức là những sự việc phát sinh trong trong hoạt động quản lý hành chính. Người khiếu nại thực hiện quyền khiếu nại và chọn cơ quan hành chính nhà nước giải quyết khiếu nại của mình. Phạm vi khiếu nại hành chính rộng, bao gồm tất cả các lĩnh vực của quản lý hành chính nhà nước. Chủ thể giải quyết khiếu nại hành chính là cơ quan hành chính nhà nước. Theo quy định của pháp luật về khiếu nại, cơ quan hành chính nhà nước bắt buộc phải thực hiện thủ tục pháp lý nhất định về giải quyết khiếu nại. Giải quyết khiếu nại hành chính được thực hiện theo thủ tục hành chính; đối với khiếu nại hành chính lần đầu, cơ quan hành chính nhà nước có quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính vừa có tư cách là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, vừa là người bị khiếu nại; đối với khiếu nại hành chính lần hai, thì cơ quan hành chính nhà nước có quyết định hành chính, hành vi hành chính là người bị khiếu nại, cơ quan hành chính cấp trên trực tiếp của cơ quan hành chính này là cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Các cá nhân, tổ chức khiếu nại tham gia thủ tục pháp lý về khiếu nại với tư cách là người khiếu nại. Để giải quyết khiếu nại hành chính, cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết phải tiến hành kiểm tra, xác minh, làm việc, đối thoại với người khiếu nại và các cơ quan có liên quan (nếu thấy cần thiết) để làm rõ nội dung khiếu nại. Căn cứ các quy định của pháp luật để kết luận nội dung khiếu nại, về tính hợp pháp, hợp lý của quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính bị khiếu nại; ban hành quyết định giải quyết khiếu nại và tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại bị xâm hại bởi quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính trái pháp luật (nếu có).
Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 quy định, khiếu nại hành chính chỉ được giải quyết hai cấp tại cơ quan hành chính nhà nước, gồm: quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và quyết định giải quyết khiếu nại lần cuối gọi là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng, theo quy định của Luật “Quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng là quyết định có hiệu lực thi hành và người khiếu nại không được quyền khiếu nại tiếp”; các tổ chức, cá nhân chỉ được khởi kiện ra Tòa hành chính quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Luật Khiếu nại năm 2011 cũng quy định, người khiếu nại có quyền khởi kiện ngay vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, không phải sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mới có quyền khởi kiện quyết định đó đến Tòa án như quy định tại Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998.
Khiếu kiện hành chính
Khái niệm khiếu kiện hành chính, là việc người khiếu nại khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính đến Tòa án hay gọi là khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính được gọi là khiếu kiện hành chính. Nói cách khác, khiếu kiện hành chính được dùng để chỉ việc người khiếu nại thực hiện quyền khiếu nại của mình đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính tại cơ quan Tòa án, chọn Tòa án là cơ quan giải quyết khiếu nại của mình. Trước đây, khiếu nại hành chính chỉ do cơ quan hành chính nhà nước giải quyết. Ngày 01 tháng 7 năm 1996, đã ra đời Tòa Hành chính trong hệ thống Tòa án nhân dân, từ đó Tòa Hành chính cũng có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính theo trình tự tố tụng tư pháp. Tại thời điểm đó, Tòa Hành chính thụ lý giải quyết các vụ việc khiếu nại hành chính còn hạn chế. Theo Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính: Trước khi khởi kiện để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức phải khiếu nại với cơ quan nhà nước, người đã ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính mà họ cho là trái pháp luật; trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại, thì họ có quyền:
Một là, khiếu nại lên cấp trên trực tiếp của cơ quan hành chính nhà nước đã ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính mà theo quy định của pháp luật có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đó;
Hai là, khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền. Tuy nhiên, tại thời điểm này, pháp luật quy định Tòa án không thụ lý giải quyết khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng.
Luật Tố tụng hành chính số 64/2010/QH12 quy định đối tượng khởi kiện vụ án hành chính là:… Quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống; Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Cùng với sự đổi mới của Luật Khiếu nại năm 2011, cơ chế giải quyết tranh chấp hành chính bởi Tòa án đang ngày càng được coi trọng hơn. Điều này cũng phù hợp với yêu cầu của quá trình hội nhập WTO: Tòa án phải là phương thức giải quyết cuối cùng đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính và cơ quan hành chính nhà nước trong quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hay quyết định giải quyết lần hai với sự thiện chí và trách nhiệm cao đã ghi chú cụ thể và hướng dẫn người khiếu nại đến khởi kiện ở Tòa án “có thẩm quyền” trong trường hợp người đó không thỏa mãn với quyết định giải quyết.
Đến Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016) đã giải thích rõ: Người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh… Đồng thời, đối tượng khởi kiện vụ án hành chính là quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống và quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh vẫn giữ nguyên; nhưng quy định bổ sung quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Về thẩm quyền xét xử khiếu nại hành chính, có thể xét trên hai phương diện: xác định thẩm quyền giải quyết của Toà án theo loại việc và thẩm quyền của các cấp Toà án. Cụ thể: Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó; Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó. Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính: 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc; 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh…
Khiếu nại tư pháp
Khái niệm khiếu nại tư pháp, là việc công dân hay tổ chức đề nghị cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan Thi hành án xem xét, sửa chữa một việc làm hoặc thay đổi một quyết định trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án mà họ cho rằng việc làm hoặc quyết định đó là không đúng pháp luật, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Như vậy, khiếu nại tư pháp có thể hiểu: là việc cá nhân, tổ chức yêu cầu cơ quan Tư pháp, cán bộ, công chức ngành Tư pháp có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định của cơ quan Tư pháp hoặc hành vi công vụ của kiểm sát viên, thẩm phán, điều tra viên trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử trong các lĩnh vực hình sự, lao động, kinh tế, hành chính, dân sự theo các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính. Riêng khiếu nại đối với bản án sơ thẩm được gọi là kháng cáo. Khái niệm này được dùng để chỉ việc người khiếu nại thực hiện quyền khiếu nại của mình đối với bản án, quyết định của cơ quan Tư pháp hoặc hành vi công vụ của kiểm sát viên, thẩm phán, điều tra viên trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Phạm vi khiếu nại tư pháp hẹp hơn khiếu nại hành chính, chỉ giới hạn trong một số loại hoạt động nhất định của cơ quan và người tiến hành tố tụng; đối tượng khiếu nại tư pháp là quyết định tố tụng, hành vi tố tụng; giải quyết khiếu nại tư pháp được thực hiện theo thủ tục tố tụng, rõ ràng, chặt chẽ hơn. Chủ thể tiến hành tố tụng do các cơ quan Tư pháp tiến hành giải quyết theo quy định của Luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Nếu như bình đẳng trong tố tụng dân sự có thể đến một cách tự nhiên thì trong giải quyết khiếu nại hành chính hay tố tụng hành chính, còn phụ thuộc vào cơ quan Hành chính nhà nước, Toà án và các quy định về thủ tục hành chính, tố tụng. Sẽ là điều bình thường nếu có những điểm nào đó mà người khiếu nại, người khởi kiện được “ưu tiên” hơn người bị khiếu nại, người bị kiện. Trong khi đó cần có những phương cách để vượt qua những khó khăn rất có thể gây ra từ phía cơ quan công quyền, bên bị kiện. Hạn chế này càng lớn hơn khi người giải quyết khiếu nại lần đầu chính là người ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính và người thẩm phán phải xét xử các quyết định hành chính hay hành vi hành chính của những người đứng đầu cơ quan công quyền ở địa phương mình.
Đã có một thời gian, thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong việc giải quyết các vụ án hành chính chưa được mở rộng, số vụ án hành chính đưa ra xét xử rất ít. Hiện nay, các Luật liên quan đến lĩnh vực này đã được sửa đổi, bổ sung, việc mở rộng thẩm quyền của Toà Hành chính gắn liền với yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền. Thiết nghĩ, khi giải quyết tốt những vướng mắc về mặt pháp lý và thực tiễn thì công tác xét xử của Tòa Hành chính sẽ có hiệu quả, chất lượng, Tòa án nhân dân sẽ phát huy cao nhất vai trò của mình trong việc giải quyết các vụ án hành chính và Tòa Hành chính sẽ thực sự đem lại sự tin tưởng cho cá nhân, tổ chức để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, tránh khỏi sự xâm hại bởi các quyết định hành chính và hành vi hành chính của cơ quan Hành chính nhà nước./.